Những kỹ năng cần thiết để học và ứng dụng tốt SOLIDWORKS

Đối với sinh viên các ngành kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật cơ khí, kỹ năng ứng dụng phần mềm để thiết kế, chế tạo máy là rất quan trọng. Xong, phần mềm chỉ là công cụ giúp bạn thể hiện ý tưởng, đẩy nhanh quá trình làm bản vẽ.

Để ứng dụng tốt phần mềm SOLIDWORKS, bạn cần có những kiến thức nền tảng trong chuyên ngành của mình. Ví dụ, bạn học các ngành liên quan đến cơ khí như: chế tạo máy, cơ điện tử, tự động hóa, … những kỹ năng liên quan cần có là:

Kỹ năng đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật

Bạn phải hiểu được những khái niệm như: hình chiếu đứng, hình chiếu bằng, hình chiếu cạnh. Hình chiếu là đối tượng quan trọng nhất trong bản vẽ, giúp người đọc bản vẽ hiểu được chi tiết đó hình dạng thực tế ra sao.

Học solidworks online

Bản vẽ kỹ thuật

Tương tự, các khái niệm như: hình cắt, mặt cắt, hình trích, …. Là các hình chiếu phụ bổ sung thêm thông tin cho bản vẽ, giúp người đọc bản vẽ hiểu rõ những chi tiết bị khuất bên trong hoặc phóng to các vị trí nhỏ trên chi tiết.

Đây là kỹ năng quan trọng nhất, vì bản vẽ là ngôn ngữ đối với dân kỹ thuật. Mọi hồ sơ thiết kế máy đều phải có bản vẽ chi tiết, bản vẽ gia công, bản vẽ lắp ráp, … Nếu không đọc hiểu được bản vẽ kỹ thuật, bạn không thể làm việc liên quan đến thiết kế hay gia công chế tạo máy.

Không đọc được bản vẽ dẫn đến không làm được bản vẽ gia công hoặc làm ra bản vẽ gia công sai ý đồ thiết kế. Hoặc khi gia công mà không đọc được bản vẽ dẫn đến gia công sai, hư hỏng sản phẩm.

Tiêu chuẩn bản vẽ trong ngành cơ khí

Một bản vẽ chế tạo không thể thiếu các ký hiệu, tiêu chuẩn liên quan. Các khái niệm như dung sai kích thước, dung sai hình học, ký hiệu độ nhám, … bạn phải biết và hiểu rõ.

Dung sai kích thước giúp người gia công làm ra sản phẩm có kích thước nằm trong quy cách cho phép, dung sai kích thước nhằm đảm bảo các chi tiết lắp ráp được với nhau. Các chi tiết này chuyển động tương đối hay lắp chặt, lắp lỏng còn phụ thuộc vào ý đồ thiết kế.

Khóa học solidworks

Ký hiệu dung sai, độ nhám trên bản vẽ

Dung sai hình học giúp quy định tính chất của các bề mặt trên chi tiết, một số ký hiệu dung sai thường thấy như độ trụ, độ vuông góc, độ đồng tâm, …

Độ nhám quy định độ nhẵn bóng trên bề mặt chi tiết, độ nhám càng thấp thì độ bóng càng cao. Những bề mặt lắp ráp với nhau thường có quy định độ nhám để đảm bảo hoạt động đúng nguyên lý và tuổi thọ.

Các phương pháp gia công cơ khí

Một chi tiết được thiết kế phải có phương pháp gia công, phương pháp gia công thường ghi kèm theo bản vẽ chế tạo. Một số phương pháp gia công phổ biến như: tiện, phay, bắn điện, cắt dây, hàn, đúc, chấn dập, …

Một chi tiết có thể có nhiều phương pháp gia công, chọn phương pháp nào còn phụ thuộc vào chi phí gia công, máy móc sẵn có.

Kỹ năng solidworks

Một số phương pháp gia công cơ khí

Gia công nguyên khối với một chi tiết phức tạp sẽ tốn nhiều chi phí, có thể chọn phương pháp hàn các tấm nhỏ để tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm bắt buộc phải gia công nguyên khối vì nguyên lý và tình trạng hoạt động.

Các phương pháp nhiệt luyện, xử lý bề mặt kim loại cũng rất quan trọng. Xử lý bề mặt giúp tăng cơ tính và độ bền của chi tiết, những chi tiết thường xuyên chịu va đập cần nhiệt luyện với độ cứng phù hợp để tránh gãy đứt do giòn hoặc mài mòn nhanh.

Kiến thức nền tảng trong chuyên ngành

Nếu như học đại học, trong suốt quá trình học tập, bạn sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và nền tảng liên quan đến chuyên ngành. Những kiến thức này bao gồm cả kỹ năng đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật, tiêu chuẩn bản vẽ và các phương pháp gia công.

Ngoài ra, còn nhiều điều bạn được học trong 4 năm học này, đó là nền tảng vững chắc để bạn ứng dụng các phần mềm như SOLIDWORKS, đẩy nhanh quá trình thiết kế, làm bản vẽ.

Để học và mau chóng ứng dụng SOLIDWORKS vào công việc, bạn phải xác định học SOLIDWORKS để vẽ và thiết kế những gì. Luyện tập đọc hiểu và vẽ những bản vẽ thực tế, tránh vẽ những thứ xa vời thực tế, nhu cầu doanh nghiệp rất ít hoặc không có.

Không phải vẽ những thứ khó, phức tạp là đã giỏi. Vẽ phức tạp thoạt nhìn thì đẹp nhưng khó gia công, khó chế tạo. Thay vào đó cần trang bị những kỹ năng thiết thực đối với doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nhiều bạn vẽ ô tô, máy bay, … nhưng khi hỏi cấu tạo chi tiết, gia công như thế nào thì lại không rõ, các mô hình này nếu in 3D làm đồ trang trí sẽ hợp lý hơn. Còn đối với doanh nghiệp, điều họ cần là chế tạo ra máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất, giá thành gia công phải rẻ, phương pháp gia công đơn giản, dễ chế tạo.

Nếu đã xác định học vẽ SOLIDWORKS để đi làm thì bạn cần học những kỹ năng như:

Ứng dụng các lệnh linh hoạt, hiểu rõ các tùy chọn để có nhiều phương án thiết kế.

Quản lý bản vẽ sao cho hiệu quả, cập nhật thay đổi thiết kế nhanh chóng.

Làm việc với các file trung gian, tối ưu hóa quá trình thiết kế.

Kỹ năng xử lý các cụm máy số lượng chi tiết lớn, tránh các lỗi phát sinh trong khi thiết kế.

Nhiều bạn khi file bị lỗi không biết sửa ở đâu, phải xóa đi vẽ lại, mất nhiều thời gian và không hiệu quả.

Đó cũng là một vài trong số những kỹ năng nhà tuyển dụng cần ở một kỹ sư thiết kế máy, các bạn sinh viên nếu đã học SOLIDWORKS cần hướng đến và giải quyết những vấn đề thực tiễn, tránh vẽ vời lan man mà bỏ qua nền tảng cốt lõi.

Các bình luận